Không mang theo CMND có thể bị phạt tới 200.000 đồng
Dự thảo Nghị định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy-chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” do Bộ Công an soạn thảo vừa gây “sốt” dư luận, hiện đã không còn trên cổng thông tin điện tử của Bộ này.
Nghị định “4 trong 1”
Dự thảo Nghị định do Bộ Công an soạn thảo bao trùm 4 lĩnh vực: An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy, chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là bước chuẩn bị bình thường của các bộ, ngành trước thời điểm Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực (từ 1/7/2013). Và cũng như các văn bản pháp luật khác, ngày 27/5, dự thảo này được Bộ Tư pháp tổ chức họp tư vấn thẩm định. Dĩ nhiên, các ý kiến cũng nhất trí cao với nội dung quy định trong dự thảo và thêm đề nghị cơ quan soạn thảo phải hết sức cẩn trọng bởi Nghị định bao gồm nhiều lĩnh vực, có những lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Nhưng, khi Bộ Công an công bố, dư luận được một phen xôn xao với rất nhiều nội dung “thú vị”.
Ngày 8/6, cổng thông tin điện tử của Bộ Công an đăng tải thông cáo về việc tạm gỡ dự thảo Nghị định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy-chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” với tuyên bố: “Sau khi hoàn thiện việc bổ sung chỉnh lý, sẽ tiếp tục đăng tải dự thảo các nghị định để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân”. |
Tuy “4 trong 1” nhưng dự thảo Nghị định này chỉ được bàn tán nhiều ở các vấn đề như quy định mang chứng minh nhân dân (CMND – người dân quen gọi là “chứng minh thư”), xử phạt liên quan đến áo lót, nói tục nơi công cộng, uống rượu, mại dâm… Đầu tiên là chuyện “thả rông” ngực bị một số trang tin điện tử hiểu nhầm và đăng tải không chuẩn khiến dư luận hiểu rằng “không mặc áo lót sẽ bị phạt từ 100.000-200.000 đồng”. Ông Trần Thế Quân – Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an) đã giải thích hành vi bị phạt chính xác là: “Không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội”.
Dù vậy, quy định này cùng việc xử phạt hành vi không mang CMND, chửi tục, cử chỉ thô thiển, hay mua dâm có tính chất đồi trụy… tuy chủ trương rất đáng hoan nghênh nhưng lại đang bị cho là thiếu tính khả thi khi dùng chế tài can thiệp quá sâu vào những vấn đề văn hóa, thói quen truyền thống.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương – Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, không nên vì cái thuận lợi của cơ quan nhà nước mà đẩy cái khó cho người dân, bởi điều đó sẽ gây ra bất cập. Ông Đương đề nghị, trước khi ban hành một chính sách nào đó cần phải cân nhắc các lợi ích trong trường hợp nào thì phạt, trong trường hợp nào thì không. “Nguyên tắc là không được áp đặt một chiều. Không được phép chỉ có lợi cho mình. Tôi cho rằng sự cứng nhắc như thế là nguy hiểm cho tự do cá nhân. Chỉ khi nào người ta vi phạm pháp luật thì mới yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân chứng minh danh tính”, ông Đương nhận xét về quy định mang theo và trình CMND.
Nghị định “nhạy cảm”
Chuyện chiếc áo lót, CMND và một số vấn đề khác có lẽ sẽ “làm khổ” cơ quan soạn dự thảo Nghị định và cả người dân khá lâu nữa trước khi được Chính phủ chính thức ban hành. Sự “nhạy cảm” ở đây là những vấn đề liên quan đến văn hóa, thói quen ứng xử của người dân mà trước nay luật pháp rất khó điều chỉnh.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, luật sư Nông Thị Hồng Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Việc xử phạt các hành vi như mặc áo lót nơi công cộng, uống rượu bia, hay văng tục chửi bậy… là rất khó khả thi. Chúng ta phải dùng các biện pháp truyền thống như tuyên truyền, thay đổi nhận thức ở các tổ dân phố thay vì răn đe xử phạt bằng tiền. Tôi cho rằng, dù có cố cũng khó mà phạt được những hành vi nêu trong dự thảo Nghị định”.
Ông Hà Đăng Phương (cán bộ tư pháp đã nghỉ hưu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng nhận xét: “Không hiểu công an sẽ lấy người đâu ra cho đủ mà quy định xử phạt lắm như vậy. Chuyện rượu bia, ăn nói như thế nào là tính cách của mỗi con người, miễn không ảnh hưởng đến ai là được. Thế nào là nói tục, là cử chỉ thô thiển? Liệu văn bản pháp luật có mô tả hết được không?”.
Ngoài ra, những quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi say rượu ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng… cũng khiến dư luận bức xúc. “Nếu áp dụng cứng nhắc, sẽ tạo ra một xã hội ngột ngạt”, một chuyên gia của Viện Xã hội học xin giấu tên chia sẻ.
Và một điều kỳ lạ là, dự thảo này của Bộ Công an đến lần thứ ba mới được công chúng biết đến rộng rãi, rồi ngay lập tức vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Đại biểu Đỗ Văn Đương thậm chí còn thẳng thắn cho rằng nó sẽ không khả thi nếu cơ quan soạn thảo không tiếp thu mà chỉnh lý, bởi trong dự thảo có quá nhiều quy định không phù hợp thực tế.
Nguồn Internet
0 comments:
Post a Comment